Viện trợ quân sự cho Pháp ở Đông Dương (1948-1952) Quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam (1948-1975)

Mỹ đặt trọng tâm tại Đông Nam Á

Tại Mỹ đầu thập niên 1950, các thế lực chống cộng cực đoan nắm quyền. Lực lượng mật vụ của McCarthy và Hoover thường xuyên thực hiện các chiến dịch chống cộng gồm theo dõi, phân biệt đối xử, sa thải, khởi tố và bắt giam nhiều người bị xem là cộng sản hoặc ủng hộ chủ nghĩa cộng sản.[10][11][12] Một bộ phận trong số những nạn nhân bị mất việc, bị bắt giam hoặc bị điều tra quả thật có quan hệ trong hiện tại hoặc trong quá khứ với Đảng Cộng sản Hoa Kỳ. Nhưng đại bộ phận còn lại có rất ít khả năng gây nguy hại cho nhà nước và sự liên quan của họ với người cộng sản là rất mờ nhạt.[13] Chính phủ Mỹ khiến công chúng nghĩ rằng những người cộng sản là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.[14]

Sự cạnh tranh chiến tranh lạnh với Liên Xô là mối quan tâm lớn nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm 1940 và 1950, chính phủ Truman và Eisenhower ngày càng trở nên lo ngại rằng khi các cường quốc châu Âu bị mất các thuộc địa của họ, các đảng cộng sản được Liên Xô ủng hộ sẽ đạt được quyền lực trong quốc gia mới. Điều này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực quốc tế theo hướng có lợi cho Liên Xô và loại bỏ quyền truy cập vào nguồn lực tài nguyên từ đồng minh của Mỹ. Các sự kiện như cuộc đấu tranh giành độc lập của Indonesia (1945-1950), cuộc chiến tranh của Việt Nam chống Pháp (1945-1954), và chủ nghĩa xã hội dân tộc công khai của Ai Cập (1952) và Iran (1951) đã khiến Hoa Kỳ lo lắng rằng các nước mới giành độc lập sẽ ủng hộ Liên Xô, ngay cả khi chính phủ mới không trực tiếp liên hệ với Liên Xô. Do vậy, Hoa Kỳ đã sử dụng các gói cứu trợ, hỗ trợ kỹ thuật và đôi khi bằng tấn công quân sự để hỗ trợ các lực lượng thân phương Tây tại các quốc gia mới.[9]

Giới chiến lược quân sự Mỹ phát hiện thấy lúc này hướng yếu nhất trong chiến lược của Mỹ ở châu Á là Đông Nam Á, một khu vực rộng lớn tiếp giáp với Trung Quốc ở phía nam. Bởi vì "Đông Nam Á có tầm quan trọng về chiến lược, nó kiểm soát cửa ngõ ra vào giữa hai biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương", "Đông Nam Á rất quan trọng đối với Mỹ"...

Bên cạnh đó, những cường quốc thống trị ở Đông Nam Á như Anh và Pháp đang phải vật lộn với những khó khăn trong nước và từng bước từ bỏ khu vực này nên việc Hoa Kỳ gây ảnh hưởng ở đây rõ ràng dễ dàng hơn rất nhiều so với dồn tổng lực để đối đầu với Liên Xô ở châu Âu. Ảnh hưởng tại Đông Nam Á còn giúp cho Hoa Kỳ hoàn thiện 2 chuỗi đảo (Bờ Tây Hoa Kỳ - Hawaii và Guam-Nhật Bản-Philippines- Singapore) để duy trì an ninh tại Thái bình Dương, đảm bảo sự lưu thông hàng hóa và các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ ở đại dương này. Nếu để đối thủ (quá khứ là Liên Xô và hiện tại là Trung Quốc) chiếm được Đông Nam Á, Hoa Kỳ không sớm thì muộn sẽ mất cả châu Á - Thái Bình Dương.

Quan điểm ngăn chặn đã tạo ra một cơ cấu chặt chẽ cho đường lối của Mỹ ở Đông Nam Á. Trong văn kiện NSC51, nhan đề Chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á do Bộ Ngoại giao Mỹ trình lên Hội đồng an ninh quốc gia ngày 1-7-1949, có đánh giá "ở Đông Dương, chính sách của Pháp là đánh chiếm lại, v.v... nhưng Pháp không thể dùng biện pháp quân sự để tiêu diệt Việt Minh, tình hình Đông Dương đang xấu đi rất nhiều. Cộng sản chiếm vị trí khống chế trong phong trào dân tộc...". Sau đó, Tổng thống Truman đã phê chuẩn (ngày 30-12-1949) một văn kiện của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, trong đó nhấn mạnh "cần thiết phải ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản ở Đông Dương". Đông Nam Á trở thành chiến trường quan trọng (lúc đó vẫn là sau Đông Bắc Á) trong chiến lược của Mỹ ở châu Á. Chiến lược ngăn chặn ở Đông Nam Á coi như chính thức bắt đầu từ đó và Đông Dương trở thành trọng điểm của chiến lược Đông Nam Á của Mỹ.

Máy bay C-119 của Mỹ đang thả lính dù Pháp tại trận Điện Biên Phủ năm 1954.

Những năm 1948, 1949 triển khai học thuyết Truman và chiến lược quân sự toàn cầu ngăn chặn, Mỹ đặt trọng tâm chiến lược là Tây Âu. Ở châu Âu, lúc này nước Pháp có vị trí rất quan trọng, thậm chí là then chốt trong việc hình thành liên minh đó. Do vậy, Mỹ đã cố gắng tranh thủ Pháp để khai thác vai trò của Pháp. Năm 1947, Mỹ viện trợ cho Pháp 3 tỉ đôla theo kế hoạch Marshall. Năm 1948, Tổng thống Mỹ đã có sự phê chuẩn đặc biệt để trang bị cho 3 sư đoàn Pháp đóng ở Đức.

Năm 1948, trong một văn kiện của Bộ Ngoại giao Mỹ (27-9-1948) tổng kết tình hình Việt Nam và chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, có nêu rõ mục tiêu lâu dài của Mỹ là: thủ tiêu ở mức độ tối đa có thể được ảnh hưởng của cộng sản ở Đông Dương, Mỹ muốn thấy Việt Nam và Đông Dương có một nhà nước dân tộc chủ nghĩa tự trị thân Mỹ.

Thực tế từ năm 1947, Mỹ đã viện trợ cho Pháp theo kế hoạch Marshall và Pháp đã dùng một phần viện trợ đó vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Báo chí Mỹ cho biết: năm 1947 Chính phủ Truman đã cho Pháp vay 160 triệu đôla để mua xe cộ và một số thiết bị liên quan cho chiến trường Đông Dương. Trong văn kiện NSC51 của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (ngày 1-7-1949) có xác nhận, trong năm 1948 khoảng 100.000 quân Pháp với trang bị của Mỹ... đang ở Đông Dương.

Mỹ ủng hộ thành lập Quốc gia Việt Nam

Mỹ tuyên bố ủng hộ nguyện vọng độc lập dân tộc tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, nhưng với điều kiện lãnh đạo của những nhà nước mới không phải là người cộng sản, Mỹ ủng hộ việc thành lập các nhà nước phi cộng sản (tức là theo chủ nghĩa chống Cộng) ổn định trong khu vực tiếp giáp Trung Quốc. Theo thuyết Domino, Mỹ hỗ trợ những quốc gia đồng minh tại Đông Nam Á vì không hài lòng với điều mà họ cho là "lực lượng cộng sản muốn thống trị châu Á dưới chiêu bài dân tộc".[15] Mỹ thúc giục Pháp nhượng bộ chủ nghĩa dân tộc tại Việt Nam, nhưng mặt khác họ không thể cắt viện trợ cho Pháp vì sẽ mất đi đồng minh trước những mối lo lớn hơn tại châu Âu. Tóm lại, chính sách của Mỹ gồm 2 mặt không tương thích: một mặt hỗ trợ người Pháp chiến thắng trong cuộc chiến chống Việt Minh - tốt nhất là dưới sự chỉ đạo của Mỹ, mặt khác Mỹ dự kiến sau khi chiến thắng, người Pháp sẽ - "một cách cao cả" - rút khỏi Đông Dương[16]

Mỹ đã khuyên Pháp nên tìm một giải pháp chính trị. Tháng 1-1949, Bộ Ngoại giao Mỹ thúc ép Pháp thoả thuận với Bảo Đại để lập Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Tiếp đến tháng 2-1949, Ngoại trưởng Akison lại hối thúc và đến ngày 8-3-1949, Pháp đã ký Hiệp nghị Elysee với Bảo Đại. Ngày 10-5-1949, Bộ Ngoại giao Mỹ điện cho lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn, khẳng định Pháp, các cường quốc phương Tây khác và các nước không cộng sản ở châu Á, hết sức cố gắng để đảm bảo thắng lợi tốt nhất cho giải pháp Bảo Đại.

Người Pháp tỏ ra ít có nhiệt tình với chính phủ Quốc gia Việt Nam mới ra đời, còn người Mỹ chế giễu Pháp là "thực dân tuyệt vọng". Đáp lại, phía Pháp nhận định là Mỹ quá ngây thơ, và một người Pháp đã nói thẳng là "những người Mỹ ưa lo chuyện người khác, ngây thơ vô phương cứu chữa, tin tưởng rằng khi quân đội Pháp rút lui, mọi người sẽ thấy nền độc lập của người Việt xuất hiện." Rõ ràng đây là một câu nói chế giễu nhưng nó lại chính xác vì những người Mỹ khá ngây thơ và ấu trĩ khi họ mới đến Việt Nam.[17]

Mỹ viện trợ quân sự cho Pháp

Trong 3 năm đầu của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Mỹ đã giữ một thái độ "trung lập" nhưng ủng hộ Pháp rất rõ ràng. Mỹ chẳng muốn tự đặt bản thân vào một vị thế khó xử là công khai ủng hộ chủ nghĩa thực dân, nhưng cũng không muốn làm mất lòng Pháp - một đồng minh quan trọng ở châu Âu. Do vậy, chính quyền Truman đã bí mật trao cho Pháp nhiều khoản viện trợ về tài chính và quân sự.[18][19]

Từ cuối năm 1949, khi bối cảnh thế giới đã bắt đầu trở nên căng thẳng, Mỹ chính thức cam kết dính líu vào cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam chống lại lực lượng Việt Minh bằng một loạt bước đi liên tiếp: tháng 10-1949, Mỹ cử phái đoàn đầu tiên gồm các đại biểu Quốc hội và cán bộ ngoại giao đến Đông Nam Á, rồi đến Sài Gòn nghiên cứu tình hình. Ngày 28-11-1949, Washington chính thức mời đại diện của Chính phủ Quốc gia Việt Nam sang thăm Mỹ. Bảo Đại cử Bửu Lộc, Chánh văn phòng của Chính phủ Bảo Đại, sang Mỹ.

Trong văn kiện của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC.51) do Tổng thống Truman phê chuẩn ngày 30-12-1949, nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn sự Việt Minh ở Đông Dương bằng sự trợ giúp về chính trị, viện trợ kinh tế và quân sự cho Pháp.

Sau khi Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đưa ra ý kiến viện trợ quân sự cho chính quyền Quốc gia Việt Nam thông qua Pháp (ngày 27-2-1950) được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân ủng hộ, Mỹ đã để lộ ý đồ muốn ủng hộ Quốc gia Việt Nam bằng cách viện trợ quân sự thẳng cho chính quyền này không thông qua Pháp. Mâu thuẫn giữa Pháp và Mỹ trong chiến tranh Đông Dương lúc này đã bộc lộ công khai và có phần gay gắt.

Ngày 14-9-1951, tướng De Lattre sang gặp Tổng thống Harry Truman, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và tướng Collins, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ tiếp. Lô viện trợ đầu tiên của Mỹ gồm rất nhiều chiến cụ và khí giới: 9.000 súng tiểu liên, 500 đại liên, 5.000 xe chuyên chở đủ loại, 600 máy truyền tin và các xe chiến đấu, máy bay, tàu hải quân, tàu sửa chữa...

Từ tháng 7-1950 đến 1-1-1952, Mỹ đã cung cấp cho Pháp gần 300 triệu đôla vũ khí và trang bị quân sự. Tại hội nghị tay ba Mỹ, Pháp, Anh họp ở Paris bàn về các vấn đề Đông Nam Á ngày 28-5-1952, Ngoại trưởng Mỹ Akison nói từ tháng 6-1951 đến tháng 6-1952, Mỹ đã gánh chịu một phần ba (1/3) chi phí cho cuộc chiến tranh của Pháp và Quốc gia Việt Nam ở Đông Dương. Và từ hội nghị này, Mỹ đồng ý tăng thêm 150 triệu đôla trong tài khoá 1952-1953 viện trợ quân sự cho Pháp và Quốc gia Việt Nam. Le Tourneau, đại diện Chính phủ Pháp xác nhận sáu tháng tới viện trợ quân sự Mỹ sẽ chiếm tỷ lệ 40% chi phí chiến tranh ở Đông Dương.

Mặc dầu vậy, Pháp vẫn không bớt lo ngại trước ý định của Mỹ ủng hộ trực tiếp Quốc gia Việt Nam để chính quyền này ly khai khỏi Liên hiệp Pháp thành lập một quốc gia độc lập không thuộc Liên hiệp Pháp. Ngày 16-6-1952, Le Tourneau, Bộ trưởng phụ trách Đông Dương trong Chính phủ Pháp tuyên bố ở Mỹ rằng, Pháp cần Mỹ tăng cường viện trợ quân sự, nhưng không muốn có quân đội nước ngoài ở Đông Dương (ý nói không muốn Mỹ đưa quân vào).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam (1948-1975) http://content.time.com/time/video/player/0,32068,... http://www.youtube.com/watch?v=5LctoUV-tag http://www.english.illinois.edu/maps/mccarthy/schr... http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent... http://avalon.law.yale.edu/wwii/atlantic.asp http://history.state.gov/milestones/1945-1952/Asia... http://www.viet-studies.info/kinhte/NguyenHuuThai_... http://dongduongthoibao.net/view.php?storyid=68 http://ambafrance-us.org/IMG/pdf/nff/NFF0502.pdf http://www.archive.org/stream/causesoriginsles00un...